Kế toán cần bám sát dự toán về chi phí nhân công để ghi nhận chi phí nhân công phù hợp, phân bổ chi phí nhân công theo các giai đoạn thi công hợp lý. Khi bám sát dự toán sẽ kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh tăng/giảm so với dự toán để có các biện pháp xử lý, nhất là đối với việc tăng so với dự toán.
Ngoài ra, khi tiến hành thi công xây dựng công trình, dự án; các công ty xây dựng thường có nhiều phương án sử dụng nhân công lao động thông qua các hợp đồng về nhân công khác nhau. Có thể kể đến một số loại hợp đồng liên quan đến nhân công như sau:
– Hợp đồng về nhân công ký trực tiếp với người lao động:
+ Hợp đồng nhân công theo hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn
+ Hợp đồng nhân công theo hình thức giao khoán công việc
– Hợp đồng giao thầu phụ về nhân công: Bên ký kết hợp đồng cung cấp nhân công lao động để thực hiện xây dựng (nhà thầu phụ về nhân công). Bên cung cấp nhân công xây dựng có thể là:
+ Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân
+ Giao khoán nhân công với người là cá nhân kinh doanh hoặc không phải là cá nhân kinh doanh để các cá nhân này tổ chức đội thi công.
Tùy thuộc vào từng loại hợp đồng nhân công mà kế toán có cách hạch toán, tập hợp và lưu giữ chứng từ, tính và nộp các loại thuế, bảo hiểm khác nhau, cụ thể như sau:
(*) Đối với Hợp đồng về nhân công ký trực tiếp với người lao động:
STT | Tiêu thức | Hình thức hợp đồng lao động | Hình thức giao khoán công việc |
1 | Nội dung hợp đồng | Ký kết với người lao động do doanh nghiệp tuyển dụng. | Ký kết với người lao động mà không thực hiện tuyển dụng, có khả năng đảm nhận các công việc của doanh nghiệp theo yêu cầu |
2 | Chủ thể ký hợp đồng | Người sử dụng lao động (doanh nghiệp xây dựng) ký với Người lao động | Bên giao khoán (doanh nghiệp) ký với Bên nhận khoán (nhân công) |
3 | Hồ sơ | – Hợp đồng lao động; – Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân. – Bảng chấm công; – Bảng lương; – Chứng từ thanh toán hợp lệ; – Hồ sơ, chứng từ liên quan đến BHXH, thuế TNCN
| – Hợp đồng giao khoán; – Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân; – Bảng chấm công (hợp đồng khoán thời gian) – Bảng nghiệm thu khối lượng (hợp đồng khoán khối lượng) – Bảng lương; – Chứng từ thanh toán hợp lệ; – Hồ sơ, chứng từ liên quan thuế TNCN |
4 | Thuế TNCN | – Thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần đối với lao động ký hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên – Khấu trừ 10% thuế TNCN đối với khoản thu nhập lớn hơn 2 triệu đồng/tháng với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. – Thực hiện quyết toán TNCN | – Thuế TNCN đối với tiền công của cá nhân không ký hợp đồng lao động theo biểu thuế suất toàn phần. Tính khấu trừ 10% thuế TNCN đối với khoản thu nhập lớn hơn 2 triệu đồng/tháng. – Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Tại thời điểm cam kết, cá nhân có thu nhập phải có mã số thuế TNCN. |
5 | Bảo hiểm xã hội | Đăng ký đóng, thu, nộp BHXH theo quy định cho người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên | Không đóng BHXH |
Đối với các loại hợp đồng này, kế toán sử dụng tài khoản 334 – Phải trả người lao động để phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho người lao động của doanh nghiệp về tiền lương, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của người lao động.
Cụ thể:
Tài khoản 334(1) – Phải trả công nhân viên: phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả về tiền lương, tiền thưởng có tính chất lương, … cho công nhân viên của doanh nghiệp.
Tài khoản 334(8) – Phải trả người lao động khác: phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả về tiền công, tiền thưởng (nếu có), … cho người lao động khác ngoài công nhân viên của doanh nghiệp (ví dụ: lao động làm việc hợp đồng giao khoán công việc trong ngắn hạn).
Trong trường hợp ký hợp đồng trực tiếp với người lao động, doanh nghiệp cần trực tiếp quản lý, kiểm soát quá trình, cách thức, hiệu quả làm việc của người lao động; đồng thời thực hiện chấm công, tính toán, trả lương và các chế độ kèm theo cho người lao động.
(*) Đối với Hợp đồng thầu phụ về nhân công:
STT | Tiêu thức | Ký với pháp nhân | Ký với cá nhân kinh doanh | Ký với cá nhân không kinh doanh |
1 | Nội dung hợp đồng | Hợp đồng cung cấp nhân công lao động | ||
2 | Hồ sơ | – Hợp đồng giao thầu; – Biên bản nghiệm thu khối lượng; – Biên bản thanh lý hợp đồng; – Chứng từ thanh toán hợp lệ; – Hóa đơn giá trị gia tăng. | – Hợp đồng giao thầu; – Biên bản nghiệm thu khối lượng; – Biên bản thanh lý hợp đồng; – Chứng từ thanh toán hợp lệ; – Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân; – Hóa đơn (hóa đơn điện tử của hộ/cá nhân kinh doanh hoặc do cơ quan thuế cấp từng lần phát sinh cho cá nhân kinh doanh) | – Hợp đồng giao thầu; – Biên bản nghiệm thu khối lượng; – Biên bản thanh lý hợp đồng; – Chứng từ thanh toán hợp lệ; – Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân;
|
3 | Thuế GTGT | Thuế GTGT đầu vào tại hóa đơn do doanh nghiệp nhận thầu phát hành | – Không có thuế GTGT đầu vào. – Cá nhân kinh doanh nộp thuế GTGT 5% (trường hợp không bao thầu nguyên vật liệu) hoặc 3% (trường hợp có bao thầu nguyên vật liệu) | Không có thuế GTGT đầu vào |
4 | Thuế TNCN | Thực hiện tại doanh nghiệp nhận thầu | Cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN 2% (trường hợp không bao thầu nguyên vật liệu) hoặc 1,5% (trường hợp có bao thầu nguyên vật liệu) theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính | Kê khai và nộp thuế TNCN 10% cho mỗi lần thanh toán |
5 | Bảo hiểm xã hội | Không thực hiện đóng BHXH tại doanh nghiệp giao thầu |
Đối với các loại hợp đồng này, kế toán sử dụng tài khoản 331 – Phải trả người bán hoặc tài khoản 338 – Phải trả, phải nộp khác để phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho các bên nhận thầu về nhân công.
Trong trường hợp ký hợp đồng thầu phụ này, trách nhiệm quản lý, kiểm soát hiệu quả làm việc của người lao động và trách nhiệm chấm công, tính toán, trả lương là của bên nhận thầu. Bên giao thầu là doanh nghiệp xây dựng chỉ cần đánh giá, xác nhận khối lượng công việc hoàn thành bàn giao với bên nhận thầu.
Bên cạnh chi phí vật liệu và chi phí máy và thiết bị thi công thì chi phí nhân công là một trong ba khoản mục cấu thành chi phí trực tiếp của doanh nghiệp xây dựng. Việc quản lý tốt chi phí nhân công có vai trò quan trọng trong việc giảm giá thành xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình xây dựng. Khi thực hiện công tác kế toán chi phí nhân công thì đòi hỏi kế toán xây dựng cần nắm vững những quy định của pháp luật có liên quan (về quan hệ lao động, về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và BHXH) để hạch toán chi phí nhân công đúng quy định.