Doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phép chuyển đổi hóa đơn điện tử thành hóa đơn giấy khi thuộc một trong hai trường hợp sau:
- Khi có yêu cầu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh cần phải xuất hóa đơn giấy được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử;
- Theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và điều tra.
Như vậy, khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và có yêu cầu của khách hàng cần xuất hóa đơn giấy thì doanh nghiệp không được phép xuất hóa đơn giấy để thay thế cho hóa đơn điện tử, trừ trường hợp hóa đơn giấy được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được chuyển đổi hóa đơn điện tử thành hóa đơn giấy khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Hóa đơn điện tử được chuyển đổi phải là hóa đơn hợp pháp;
- Thuộc một trong các trường hợp được phép chuyển đổi hóa đơn điện tử thành hóa đơn giấy (nêu ở mục 1);
- Đảm bảo sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy sau khi chuyển đổi.
(Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2020/NĐ-CP)
Hóa đơn giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế vẫn có hiệu lực trong giao dịch và thanh toán (khoản 3 Điều 7 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).