Đối tượng được miễn thuế GTGT là trường hợp hàng hóa hay dịch vụ nằm trong đối tượng chịu thuế ở một mức thuế suất nhất định, có các căn cứ tính thuế rõ ràng và phải kê khai thuế đối với cơ quan thuế.
Tuy nhiên hàng hóa, dịch vụ này được hưởng những ưu đãi từ nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định như đầu tư vào những vùng xa xôi, các ngành nghề đặc biệt... nên được miễn thuế để khuyến khích cho nhà đầu tư và tạo điều kiện để sản phẩm hàng hóa dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. Do đó, miễn thuế mang tính chất ưu tiên, ưu đãi hay được khuyến khích do có phần thuế được miễn giảm hoàn toàn hay một phần, được khấu trừ thuế đầu vào.
Hiện tại, pháp luật hiện hành không có quy định về việc miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Việc miễn thuế thường được áp dụng nhiều đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu được quy định ở các văn bản pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều đề xuất đưa ra là nên đưa vào các quy định về việc miễn thuế giá trị gia tăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT là trường hợp hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì không phải thực hiện nộp thuế GTGT. Do đó họ không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho việc sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định mà phải tính vào nguyên giá tài sản cố định, giá trị nguyên vật liệu hoặc chi phí kinh doanh.
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT, dẫn chiếu đến Điều 4 Thông tư 06/2012/TT-BTC Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ
Điểm chung giữa các đối tượng được miễn thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 0% và không thuộc diện chịu thuế là không phải nộp thuế.
Nhưng bản chất của ba việc này là hoàn toàn khác nhau dẫn đến việc có hay không có hoạt động khai thuế, nộp thuế. Phụ thuộc vào từng điều kiện nhất định mà hàng hóa, dịch vụ sẽ thuộc đối tượng nào.
Vậy như thế nào là thuế GTGT đầu vào? - Thuế GTGT đầu vào là tổng số thuế GTGT trên hóa đơn GTGT và các chứng từ kế toán bao gồm cả khoản thuế được khấu trừ và không được khấu trừ:
Thuế GTGT được khấu trừ: Là số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chịu thuế GTGT.
Thuế GTGT không được khấu trừ: là số thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào không nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa chịu thuế, thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ có chứng từ không hợp lệ, của hóa đơn đã quá thời hạn kê khai, ...
Công thức số thuế giá trị gia tăng được tính như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào được khầu trừ
Từ công thức trên:
Đối với hàng hóa xuất khẩu được tính thuế suất 0% thì số thuế GTGT phải nộp = 0 (do hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nên thuế GTGT đầu ra là 0) – thuế GTGT đầu vào = - (âm) thuế GTGT đầu vào và được hoàn thuế GTGT đầu vào ở khâu trước.
Do đó, việc áp dụng thuế suất 0% không những sẽ đem ngoại tệ về cho Việt Nam mà hàng hóa xuất khẩu lại rẻ, có thể cạnh tranh với hàng hóa các quốc gia khác. Cho nên, khi đánh thuế GTGT 0% cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chỉ không tính thuế GTGT đầu ra mà vẫn được khấu trừ GTGT đầu vào, được coi như là một hình thức hỗ trợ của nhà nước.
Nếu thuế đầu vào không được khấu trừ toàn bộ mà khấu trừ một phần thì phải tiến hành phân bổ thuế GTGT (Cách tính thuế do chi cục thuế từng địa phương hướng dẫn) và chỉ được khấu trừ 1 phần thuế GTGT đầu vào. Còn phần thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì cho vào chi thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Vì thuế GTGT đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh mới được khấu trừ. Việc phân bổ được tính theo chỉ tiêu doanh thu của từng hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh và hoạt động không phục vụ sản xuất kinh doanh.